Tiến Minh tiếc nuối chuyên gia Santoso

Thảo luận trong 'Tin Tức Cầu Lông' bắt đầu bởi Editor VNB, 9/3/16.

  1. Editor VNB

    Editor VNB
    Biên Tập Viên VNB

    TT - Ngày 6-3, chuyên gia cầu lông hàng đầu thế giới người Indonesia Agus Dwi Santoso đã trở về nước chỉ sau hai tuần thử việc cùng tuyển cầu lông TP.HCM tại nhà tập luyện Phú Thọ.

    c8479ad9.jpg
    Ông Santoso và vợ tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi rời VN - Ảnh: T.P​

    "Tôi rất buồn khi biết Santoso chia tay cầu lông TP.HCM bởi ông Santoso là người giỏi chuyên môn". Tiến Minh cho biết.


    Ông Santoso được mời đến TP.HCM bởi bản lý lịch “hoành tráng”, đã được kiểm chứng bởi nhiều người VN am hiểu cầu lông.Từng là HLV tuyển Indonesia, ông góp công tạo nên những tay vợt đẳng cấp thế giới như Simon Santoso (cựu hạng 3 thế giới), Tommy Sugiarto (cựu hạng 3 thế giới), Sony Dwi Kuncoro (cựu hạng 4 thế giới) hay Dionysius Hayom Rumbaka (người đánh bại Tiến Minh ở SEA Games 2013).

    Tay vợt số 1 VN Nguyễn Tiến Minh đặt rất nhiều kỳ vọng ở vị chuyên gia Santoso. Do đó, anh đã hụt hẫng khi biết ông Santoso chia tay cầu lông TP.HCM: “Dù chỉ tập với ông Santoso khoảng một tuần nhưng tôi đã sửa được nhiều lỗi kỹ thuật và học được một vài “miếng” khiến đối thủ vốn thuộc lối chơi của tôi phải vất vả. Nếu được ông Santoso hỗ trợ, chắc chắn tôi sẽ đánh chắc tay hơn”.


    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Santoso cho biết: “Do có mối quan hệ thân thiết với bà Huỳnh Ngọc Liên (phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM - HBF) nên tôi chấp nhận đàm phán với HBF. Thông tin đầu tiên tôi được biết là VN rất ít tài năng trẻ (thậm chí không có) đủ tầm thi đấu quốc tế. HBF muốn tôi giúp đào tạo VĐV trẻ và hỗ trợ Tiến Minh giành thành tích tốt nhất có thể tại Olympic Rio 2016”.


    Một trong những nguyên nhân “đẩy” chuyên gia Santoso rời khỏi VN chính là ông vẫn chưa được ký hợp đồng dù đã làm việc tại TP.HCM trong hai tuần. Ông Santoso nói: “Nếu ngay ngày đầu tiên tôi được thương lượng và ký hợp đồng thì mọi việc đã khác. Bây giờ, tôi đã nhận được lời mời làm HLV tuyển quốc gia từ Liên đoàn Cầu lông Hàn Quốc”.


    Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Thu Hà (trưởng bộ môn cầu lông TP.HCM kiêm tổng thư ký HBF) cho biết: “Lúc đầu, HBF đề nghị ký hợp đồng 2 năm với ông Santoso với nhiệm vụ đào tạo VĐV trẻ cho cầu lông TP.HCM và hỗ trợ Tiến Minh đến hết Oympic 2016. Nhưng do lãnh đạo TP.HCM chỉ duyệt ký từng năm nên hợp đồng bị rút còn 10,5 tháng. Tiền lương của ông Santoso là 4.000 USD/tháng (trong đó Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM trả 3.000 USD và HBF trả 1.000 USD), chưa kể chi phí vé máy bay đi lại trong năm, ăn ở.


    Vì bản hợp đồng có điều khoản “...bên A (Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM và HBF) phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn của bên B (ông Santoso)…” nên ông Santoso đề nghị cần thời gian quan sát rồi đề xuất vào ngày 3-3. Nói chung những cuộc làm việc của hai bên rất vui vẻ. Nhưng đúng vào ngày 3-3, chính tôi cũng bị bất ngờ khi ông Santoso lấy lý do VĐV trẻ chỉ tập hơn 2 tiếng mỗi ngày là không đủ (vì đa số VĐV trẻ phải đi học văn hóa vào ban ngày) mà phải tập cả ngày, thiếu cọ xát quốc tế, HLV không kèm VĐV đi thi đấu... để từ chối dù chúng tôi luôn bày tỏ thiện chí”.


    Một vấn đề nhạy cảm nữa là ông Santoso cho biết ông đã phải tự chi trả chi phí ăn uống, sinh hoạt suốt hai tuần qua tại TP.HCM và đi về mà không nhận được đồng lương nào. Bà Thu Hà lý giải: “Cái khó là ông Santoso chưa đặt bút ký hợp đồng và bây giờ tự ý rời VN thì chúng tôi lấy gì thanh toán chi phí với Nhà nước. Thế nhưng, tôi cũng đã nói rõ với ông Santoso là tôi đang làm đề xuất HBF có những khoản hỗ trợ dành cho ông và sẽ chuyển sau”.


    Theo những người am hiểu, việc hụt mất Santoso là điều đáng tiếc, mà nguyên nhân chính là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính quá chậm chạp ở ta.

    Cầu lông TP.HCM thiếu khoa học

    Theo ông Santoso: “Sau hai tuần thử việc, tôi nhận ra thực tế tại TP.HCM hoàn toàn khác những gì tôi nghĩ trước đó. Dựa vào kinh nghiệm, tôi ngạc nhiên khi TP.HCM đang có bốn tài năng có thể phát triển tầm thế giới, trong khi nhiều quốc gia phát triển về cầu lông muốn tìm một người như thế cũng đã là khó.


    Nhưng để thành công, bạn cần hội đủ nhiều yếu tố như tài chính, tài năng, điều kiện tập luyện... Vấn đề của cầu lông TP.HCM là thiếu khoa học, VĐV trẻ tập quá ít lại không được dự nhiều giải quốc tế để cọ xát, HLV không cùng VĐV đi thi đấu và nhiều thứ khác nữa. Vì thế, lúc này tôi không thể giúp gì cho cầu lông TP.HCM”.


    TẤN PHÚC - http://thethao.tuoitre.vn/
    Tags:
  2. nhilanthan

    nhilanthan
    VĐV Phong Trào

    Có một sự buồn ko hề nhẹ...
  3. dragonboy16

    dragonboy16
    VĐV Phong Trào

    VN hình như ko đoái hoài tới Cầu Lông cho lắm :(

Chia sẻ trang này

Đang tải...