TAY VỢT NGUYỄN TIẾN MINH : NHÀ GIÀU VƯỢT KHÓ. 12:38 PM Thứ hai, ngày 03 /12 / 2012. Nếu không tính khoản lót tay mà chỉ một số cầu thủ bóng đá nam có được, tay vợt số 11 thế giới Nguyễn Tiến Minh chính là VĐV có thu nhập cao nhất Việt Nam, chính xác là đứng đầu suốt 3 năm qua với mức thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng. Không chỉ xứng danh thương hiệu “100 triệu đồng”, rất kỳ thú vì tay vợt tỷ phú này lại... không biết tiêu tiền. Hiện tượng lạ của Thể thao Việt Nam Trong làng thể thao Việt Nam, Tiến Minh hiện là VĐV duy nhất đang sở hữu tới 2 hợp đồng tài trợ, đều được ký triển khai từ đầu năm 2009 gắn với bước tăng tốc ngoạn mục để gia nhập đội hình các tay vợt hàng đầu thế giới. Đầu tiên, công ty Thể thao Victor đầu tư 2.000 USD/tháng trong 4 năm, chưa kể còn hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho Minh dự tranh ít nhất 3 giải đấu tầm châu Á do anh lựa chọn. Tiếp đó, Becamex Bình Dương cũng nhập cuộc tài trợ cho tài năng này với 2 mức rõ ràng: 50 triệu đồng/tháng nếu anh đứng trong Top 10 thế giới, 20 triệu cho một vị trí ở Top 25. Có 2 nhà tài trợ song hành liên tục, Tiến Minh đã chứng tỏ mình là một "thương hiệu" sáng giá nhất của thể thao nước nhà, đồng thời luôn thể hiện sự xứng đáng về mọi mặt của mình. Điều rất đặc biệt, cả 2 đối tác đều chỉ đặt ra những điều kiện ràng buộc rất nhẹ nhàng về giá trị quảng bá, đảm bảo không tranh chấp gì về quyền lợi liên quan đến cầu lông Việt Nam hay TP.HCM. Chỉ tính riêng nguồn tài trợ, Tiến Minh đã nhận từ 60 hoặc 90 triệu đồng tháng, cộng với khoản lương 10 triệu đồng từ đơn vị tài trợ. Qua mười mấy giải đấu quốc tế du đấu mỗi năm, tuyển thủ sinh năm 1983 cũng ẵm một khoản đáng kể nữa căn cứ vào thành tích, nhưng ít nhất cũng vào cỡ 200 triệu đồng, thậm chí có năm là trên nửa tỷ. Tính ra, tổng thu nhập của Minh đã vượt qua mức 100 triệu đồng/tháng, một mức chỉ tiếp cận với mặt bằng chung quốc tế song đã là cả một mẫu hình đáng tự hào và đầy tính khích lệ của nghiệp thể thao vốn luôn bị chê nghèo và "bạc". Càng đáng nể hơn vì đến trường hợp của người từng vươn tới hạng 5 thế giới này, thể thao Việt mới có một VĐV thu nhập cao hoàn toàn bằng tài trợ quảng cáo và thưởng trực tiếp từ việc dự tranh các giải đấu, giống như tất cả các VĐV quốc tế hàng đầu khác. Ngôi sao không biết...tiêu tiền Từ nguồn thu nhập "khủng" ổn định, chỉ sau mấy năm, có thể đoán chắc, Tiến Minh đã trở thành VĐV giàu nhất ở các môn ngoài bóng đá, với khoản tích lũy làm vốn cho tương lai khoảng vài tỷ đồng. Tất nhiên, dù thu nhập không phải mục tiêu chính của anh, song với những gì đã thể hiện, tay vợt 29 tuổi còn có thể giữ vững mức thu nhập đầu bảng thêm nhiều năm nữa. Mặt bằng chung thể thao Việt, rõ ràng Minh đã là một tỷ phú xịn. Mà chính từ đây mới càng thấy, tính chuyên nghiệp, sự mẫu mực về mọi mặt, cùng hàng loạt những chuyện đặc biệt và thú vị của anh - một ngôi sao không biết... tiêu tiền. Thật khó tin, đến tận bây giờ, mọi khoản thu nhập Minh đều gửi mẹ cả, và chỉ giữ lại một khoản nhỏ để tiêu vặt. Nói Minh không biết... tiêu tiền có lẽ hoàn toàn đúng về nghĩa đen, xuất phát từ quan niệm và lối sống lành mạnh, giản dị đến mức phần nào đó bị coi là khắc khổ, lạ lẫm, nhất là so với thú ăn chơi của hàng loạt "ông sao thể thao" khác. Tiến Minh không hề uống rượu bia và thuốc lá thì càng tuyệt đối không. Mỗi dịp đi ăn nhà hàng hay dự tiệc cùng gia đình, đồng đội ở trong và ngoài nước, đồ uống duy nhất của anh là... nước lọc. Chàng trai Sài Gòn cũng chưa một lần biết đến quán bar, vũ trường, hay mua sắm những món đồ đắt giá thừa sức làm được với sự rủng rỉnh của mình. Khoản đầu tư lớn nhất mà anh dành riêng cho mình chỉ là bộ dàn âm thanh và dàn máy công nghệ cao hiện đại vừa thỏa mãn sở thích vừa phục vụ cho việc giải trí, nghỉ ngơi sau những ngày tập luyện miệt mài, các giải đấu quốc tế đầy áp lực. Tưởng như có phần ngờ nghệch, song Tiến Minh lại là một VĐV có ý thức chuyên nghiệp cực cao về chuyện tiền bạc, thu nhập. Trong buổi họp với các nhà quản lý huấn luyện của mình sau thất bại tại Olympic mà nhiều người lo ngại anh có thể chia tay thảm đấu, Tiến Minh đã cam kết sẽ tiếp tục gắn bó trọn vẹn với cầu lông Việt Nam nhiều năm nữa. Ngoài niềm đam mê, khả năng còn có thể duy trì và phát triển, ngôi sao còn có một cách tiếp cận khác chuyên nghiệp đúng nghĩa: khoản thu nhập 70 triệu đồng/tháng hiện tại cũng là một động lực xứng đáng để phấn đấu, nỗ lực hết mình. Nhà giàu vượt khó Thể thao Việt Nam từng chứng kiến hàng loạt ngôi sao vượt lên từ gian nan, nghèo khổ, song thực sự đến tay vợt số 11 thế giới Nguyễn Tiến Minh mới có một mẫu hình đầu tiên đúng nghĩa "con nhà giàu... vượt khó". Trường hợp này theo giới chuyên môn là cực hiếm và quá khó, nhất là lại duy trì ổn định trong suốt một thời gian dài trên đỉnh cao quốc tế như Minh. Ngoài anh, giờ đây, cũng mới chỉ có thêm một ngôi sao có hoàn cảnh và hành trình "vượt giàu" như thế là Siêu đại kiện tướng quốc tế cờ vua Lê Quang Liêm. Là con trai Sài Gòn, sinh trưởng trong một gia đình doanh nghiệp khá giả, cậu út Tiến Minh đến với cầu lông từ năm 10 tuổi, một sự gắn bó tưởng ngẫu nhiên mà như một định mệnh. Từ một tay vợt thiếu hụt bài bản, thể hình thể lực hạn chế, nhưng với niềm đam mê, ý chí cực cao, tinh thần vượt khó vượt khổ phi thường trong suốt một thời gian dài, anh đã tạo nên bước đột phá thần kỳ để gia nhập nhóm tay vợt hàng đầu thế giới. Hiện Tiến Minh đang giữ vị trí thứ 11 thế giới, nhưng trước đó, anh đã có hơn 2 năm liên tục đứng trong Top 10, cao nhất từng vọt lên hạng 5. Trong suốt 20 năm gắn bó, công tử bột này hầu như không bỏ ngày tập nào, với một lịch tập 3 buổi mỗi ngày đều đặn và nặng nhọc. Thậm chí, ngay Tết Nguyên đán, anh cũng chỉ nghỉ đến chiều mồng 2 lại vác vợt ra sân. Để luyện một động tác khó, sửa một lỗi sai, Tiến Minh đủ bền bỉ để tập đi tập lại đến khi đạt mới thôi. Với mỗi thất bại, có thể buồn đến mức ở lì trong nhà vài ngày, song Minh chưa bao giờ nản, sau đó lại vào lao rèn tập... như điên. Dường như anh đã dành hết, thực tế đã hy sinh thật nhiều, kể cả những thú vui, sự hưởng thụ rất đỗi bình thường cho cầu lông - môn mà anh coi như nghiệp đời của mình. Chính nhờ sự "vượt khó của con nhà giàu" ấy mà Việt Nam mới có một tay vợt đẳng cấp thế giới mà theo đánh giá của giới chuyên môn phải 2 thập kỷ nữa vẫn khó có người thứ hai. Nguồn : tienphong.vn