Ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TPHCM. Từ nhiều năm trước, môn cầu lông, từ giải quốc nội đến quốc tế đều luôn luôn thu hút sự chú ý của người hâm mộ tại TPHCM - địa phương được đánh giá là có phong trào cầu lông mạnh nhất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, cầu lông của không chỉ TPHCM mà cả nước ngày càng đi xuống. Điều này khiến phong trào cầu lông đỉnh cao tại TPHCM ngày càng ít người theo đuổi. Để tìm hiểu thêm về thực trạng cầu lông tại TPHCM, sáng 18.8 PV đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TPHCM. Với tư cách là Chủ tịch LĐCL TPHCM, ông băn khoăn điều gì nhất hiện nay? - Điều làm tôi băn khoăn nhất là cầu lông đỉnh cao tại TPHCM đang có dấu hiệu đi xuống, không phải là từ năm nay mà đã báo động từ nhiều năm qua. Có thể nói sau lưng những tay vợt như Tiến Minh (nam) và Vũ Thị Trang (nữ) là một khoảng trống buồn và chúng ta còn phải mất nhiều năm nữa mà không biết là có tìm thấy một hình ảnh của cả Minh và Trang hay không, buồn lắm. Tại giải này, với tư cách là chủ nhà chúng ta cũng đăng ký 16 tay vợt được xem là mạnh nhất về cầu lông của cả nam lẫn nữ, nhưng cuối cùng chỉ có 4 tay vợt (2 nam, 2 nữ) được thi đấu chính thức vì đủ điểm, biết làm sao được, đó là quy định quốc tế, phải chấp nhận. Vậy theo ông nguyên nhân của điều này là vì sao? Vì không có kinh phí hay không có phong trào? - Hiện tại TPHCM, cầu lông vẫn là môn thể thao được nhiều người hưởng ứng, nhưng chỉ là dạng phong trào, chứ đỉnh cao thì không. Vì sao ư? Vì không có kinh phí, cũng đúng, vì chưa được quan tâm, cũng đúng. Môn cầu lông và không chỉ cầu lông phải biết kết hợp nhiều khâu, mà chúng ta lại chưa biết cách kết hợp thì làm sao tìm ra những Tiến Minh, Vũ Thị Trang… Ngay tại giải này, dù Vũ Thị Trang là tay vợt hàng đầu Việt Nam cũng rất có thể phải làm khán giả ngay trận đầu tiên khi phải tranh tài cùng tay vợt hạt giống số 1 người Thái Lan, còn Tiến Minh cũng khó vào sâu khi trình độ chuyên môn của tay vợt này khá thất thường vì tuổi tác. Và phải mất nhiều năm nữa cầu lông Việt Nam mới hy vọng có được những tay vợt như thế. Theo ông phải làm gì ? Hay cho con mình chơi Golf như ông đang làm hiện nay? - (cười) Không hẳn đâu, vì cháu nó thích mà thôi. Nếu ở các nước chuyện ra nước ngoài thi đấu là cực kỳ cần thiết, còn chúng ta lại chưa thể vì không có kinh phí. Chuyện Indonesia, Malaysia hay Thái Lan… đưa sang lực lượng hùng hậu và đều được BTC chấp nhận thì chúng ta với tư cách chủ nhà lại chỉ có 4 tay vợt thì làm sao học hỏi, thi thố cùng bạn bè và điều này cũng là một rào cản không nhỏ cho các tay vợt. Vậy chúng ta chấp nhận ? - Không, hiện TPHCM đang có lực lượng trẻ đưa sang Indonesia tập huấn và không chỉ có TPHCM làm như thế. Nếu ở bơi lội chúng ta làm được với Ánh Viên khi đưa sang Mỹ tập huấn dài hạn và bước đầu cũng có kết quả khả quan thì với cầu lông tại sao không? Bây giờ, giữa cơ quan quản lý nhà nước, VĐV và phụ huynh cần ngồi lại bàn tìm cách tốt nhất chứ như hiện nay thì không thể có được những Tiến Minh, Vũ Thị Trang trong tương lai nếu không muốn nói là không thể. Và sau lưng Tiến Minh, Vũ Thị Trang vẫn còn là một khoảng trống buồn trong nhiều năm nữa. - Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này. Laodong.com