Cầu lông được biết đến và phổ biến bởi người Anh, ban đầu vốn dành cho giới Quý tộc ở vùng Badminton của Anh Quốc. Chúng ta có thể hơi ngạc nhiên khi biết rằng môn thể thao này có nguồn gốc từ Nam Á và Đông Nam Á, mà cụ thể tiền thân của nó là môn Poona rất thịnh hành ở Ấn độ ngày trước. Tuy ra đời hàng ngàn năm trước, nhưng môn thể thao hấp dẫn này chỉ thực sự được biết đến rộng rãi sau khi các Sĩ quan Anh từng đóng quân tại Ân độ mang môn này về chơi tại quê hương vào những năm 1870s. Tuy ra đời gần như cùng thời với một môn thể thao hơi tương đồng – Quần vợt, nhưng sự phát triển về quy mô và vị thế của hai môn này có vẻ không được fair lắm cho môn cầu lông. Ngày nay trên thế giới hàng năm có tới 4 giải Grand Slam và vô số các giải thi đấu cho môn Tennis với giải thưởng hàng triệu USD thì số lượng giải dành cho môn Cầu lông khiêm tốn hơn nhiều cả về quy mô lẫn tiền thưởng. Trong một số nguyên nhân khiến cho môn Cầu lông bị lép vế so với người anh em của mình, theo tôi có thể xem xét như sau: Thứ nhất, Quần vợt được sáng tạo ra bởi hai người thuộc tầng lớp thượng lưu và sau này được kết hợp với môn Tennis Hoàng gia nên nó nhanh chóng được giới quý tộc và nhà giàu ưa chuộng. Với xuất phát điểm như vậy, môn thể thao này đã được giới thương mại chú ý và sử dụng hiểu quả cho công tác phát triển thương hiệu cho các sản phẩm cao cấp. Ngoài ra việc đầu tư tốn kém ban đầu đã khiến cho môn này thường được hiểu là dành cho dân nhà giàu. Cái gì của nhà giàu mà chả hấp dẫn, vì thế khi tôi giàu có chút tôi phải tập tành chơi Tennis cho nó Quý sờ tộc. Ngược lại với Tennis, tuy ban đầu Cầu lông được chơi bởi giới quý tộc Anh, nhưng có lẽ điều kiện để chơi môn này (vốn có nguồn gốc dân dã) không quá khó nên dần dần nó lại “ta về ta tắm ao ta”- quay trở lại làm môn chơi của thường dân. Thứ hai, trong thời gian đầu, Châu Âu rất chú ý đến việc phát triển môn Cầu lông, nhưng trong suốt lịch sử môn thể thao này, dù được giới thiệu bởi người Anh, Quốc gia này chỉ đạt được giải cao nhất là HC đồng đôi Nam – Nữ tại Olympic gần đây. Có lẽ do đây là môn thể thao có nguồn gốc từ Chấu Á, nên hiện tại các VĐV đến từ TQ, Hàn Quốc, Malaysia hay Indonesia luôn chiếm thế thượng phong trong làng CL Quốc tế. Đan mạch là nước hiếm hoi ở Châu Âu có thể cạnh tranh với các nước Châu Á trong môn này. Thường thì người ta ít khi cổ xúy những thứ không phải là thế mạnh của mình, nên cũng rất dễ hiểu khi Cầu lông không được đánh giá cao như Tennis. Thứ ba, trong tư tưởng của nhiều người thì môn thể thao mà ai đó chơi luôn phản ánh “đẳng cấp” của người chơi môn đó. Thời Vũ Trọng Phụng, người ta tôn sùng Tennis đến nỗi chỉ vì học lỏm và đánh bóng giỏi mà “Xuân tóc đỏ” đã thay đổi cuộc đời và bước chân vào giới quý tộc đương thời (tôi hơi nghi ngờ về “độ” quý tộc của những người này). Ngày nay, nhiều người luôn mặc định là Tennis thì gắn liền với thương gia. Chính vì vậy môn này luôn đươc ưu ái hơn, được tài trợ nhiều hơn vì người ta nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận ở trong đấy. Dù tôi có yêu thích môn Cầu lông đến mấy đi nữa thì với con mắt của một thương gia tôi vẫn sẵn sàng tài trợ cho một giải Tennis, bởi vì đi kèm với nó là truyền thông, là thương hiệu và các khách hàng tiềm năng. Tính từ lúc dân ta đang ngủ trong đống rơm rồi bị “lính tuần” bắt dậy để đi bộ lên huyện xem bóng đá giao hữu của tỉnh nhà với lính Pháp, tinh thần thể dục thể thao của chúng ta có thể nói là đã khác xa lắm rồi. Cái đáng bàn ở đây là tính thực dụng trong cách làm thể thao của người Việt – Toàn đem sở đoản của mình đấu với sở trường của người khác. Chúng ta đã đầu tư không biết bao tâm huyết và tiền của vào môn bóng đá (và cả Tennis nữa), nhưng càng chờ càng chẳng thấy “ẻm” đâu. Khi đã rất nhiều năm Tiến Minh giúp người Việt định vị trình độ chơi Cầu lông trên bản đồ thế giới, thì môn thể thao “quý sờ tộc” kia càng đầu tư càng không thấy sủi tăm. Nói thẳng ra rằng, chắc phải còn dăm bảy thế hệ nữa (cứ theo đà này) Nước Việt mới có thể sản sinh ra ai đó chơi Tennis liên tục gần 5 tiếng đồng hồ như Andy Murray đã từng đấu với Roger Federer trong trận chúng kết Wimbledon 2012 được – mà chũng có thể là chẳng bao giờ. Vậy tại sao chúng ta không đầu tư và phát triển những thứ chúng ta có năng khiếu và thế mạnh đi! Ngoài các môn võ, vật ra thì có thể nói Cầu lông cũng là một gợi ý không tồi!