Cầu lông ở VN hiện nay đã trở nên rất phổ biến, vì vậy thị trường vợt cũng phát triển rất đa dạng, trong đó có nhiều hãng mới xuất hiện ở VN ví dụ như Kumpoo.... Thông thường khi chúng ta đi mua vợt thường để ý đến thương hiệu, chức năng, giá cả, chất lượng, thiết kế và cả hợp thời trang nữa. Cuối cùng thì chúng ta quan tâm nhất đến giá cả và sự phù hợp với trình độ của mình. Một trong những yếu tố liên quan đến việc ta chọn vợt đó là ấn tượng đầu tiên về nó. Nếu một cây vợt được làm quá đẹp trong cái nhìn đầu tiên của bạn, thì thông thường bạn hay bỏ qua các thông số khác. Sau yếu tố về hình thức, thì những lời khuyên của bạn bè và thương hiệu thường là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua vợt. Thường thì thiên hạ hay mua cây nào được nhiều người nhắc đến ví dụ như cây Nanospeed 9900 của Yonex chẳng hạn, vào diễn đàn nào cũng thấy đề cập đến nó.... Cuối cùng, sau hết những điều nêu trên thì mọi người thường quyết định mua vợt bởi những yếu tố như hiệu suất và chức năng của vợt và cả giá cả thích hợp nữa. Nhiều người thì nói “tiền nào của nấy”, tuy nhiên bạn sẽ có một cây vợt phù hợp thực sự nếu bạn chịu khó tìm hiểu qua vài cửa hàng trước khi ra quyết định. Và sau đây tôi xin cung cấp cho các bạn một số kiến thức để việc chọn lựa được chính xác hơn. Thông thường vợt cầu được phân làm 3 phần: Đầu vợt (mặt tiếp xúc với cầu), Thân vợt và Tay cầm. Các dòng vợt cũ hơn hoặc loại rẻ tiền thường có 2 khớp nối trên vợt, một điểm nối giữa đầu vợt và thân và một điểm nối giữa thân vợt và cán. Hiện nay hầu hết các vợt đời mới chỉ có duy nhất một điểm nối giữa thân và cán, còn đầu vợt và thân liền một khối, thậm chí có vợt không thấy một điểm nối nào từ đầu đến cán (single-piece racket). “Chức năng” của vợt thường đề cập về sức căng của vợt (ví dụ: sức căng chịu đựng tối đa của khung...), cân nặng, điểm cân bằng, khả năng cân bằng toàn vợt, khả năng chống xoắn vợt và sức mạnh (đo bằng khả năng đánh cầu xa bao nhiêu/và tốc độ như thế nào?) và nhiều chức năng khác nữa, nhưng những chức năng vừa nêu trên là quan trọng nhất. Khi ở cửa hàng, chúng ta chỉ cầm vợt thôi thì không thể nào biết chắc chắn chức năng và hiệu suất của vợt, tuy nhiên nếu bạn đã chơi một thời gian thì đôi tay của bạn cũng có khả năng cảm nhận ít nhiều. Sau đây chúng tôi sẽ cũng cấp cho các bạn cách kiểm tra cây vợt mới một cách dễ dàng hiệu quả: 1) Kiểm tra điểm cân bằng (The Balance Point) Thông thường thì điểm cân bằng nằm ở thân của vợt. Điểm cân bằng này sẽ nằm dịch gần phía đầu vợt nếu đây là vợt chuyên về công, mục đích để phía đầu vợt nặng hơn. Để kiểm tra xem loại vợt đó là gì? Công hay thủ bạn chỉ cần dùng ngón tay chỏ, giữ thẳng và đỡ dưới thân vợt, dịch chuyển lên xuống (giống như dịch quả cân ngoài chợ) sao cho vợt nằm cân bằng ngang hoàn toàn, lúc này điểm tiếp xúc giữa ngón tay và thân vợt là điểm cân băng, nếu nó gần đầu vợt hơn là công và ngược lại. (lưu ý nếu bạn đã bọc cán vợt thì xác định điểm cân bằng sẽ ko chính xác) 2) Cân bẳng tổng thể: (Overall Balance) Do vợt được sản xuất với các công nghệ khác nhau nên thông thường giữa các vợt có sự khác nhau về cân bằng toàn vợt. Sự cân bẳng của vợt ảnh hưởng nhiều đến khả năng kiểm soát hướng đi của cầu và tốc độ bay của quả cầu, vì vậy một cây vợt cân bằng kém sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính chính xác của cú đánh. Thật may là rất dễ để kiểm tra khả năng cân bằng của vợt. Bạn cần tìm một mặt bàn hoặc tương đương, sau đó đặt cán vợt vào mép bàn sao cho toàn bộ phần thân và đầu vợt hướng ra ngoài không gian (đầu mặt vợt song song với sàn nhà bên dưới). Một tay bạn giữ cán vợt thật chắc còn một tay bạn ấn vào đầu khung vợt và thả ra ngay. Bạn hãy quan sát vợt của bạn rung, nếu một cây vợt tốt nó sẽ chỉ rung theo chiều lên và xuống. Nếu một cây vợt cân bằng kém nó sẽ lắc cả sang hai bên, nhưng vậy là cân bằng toàn vợt kém. 3) Độ dẻo của thân vợt: (The Flexibility of the Shaft) Để thử bạn chỉ cần một tay cầm cán, một tay cầm đầu vợt và nhẹ nhàng bẻ cong. Với một cây vợt dẻo ta sẽ dễ dàng bẻ cong nó và ngược lại. Thông thường thì một cây vợt tốt sẽ không quá mềm và quá cứng. 4) Khả năng chống xoắn: (Resistance to Twisting) Giống như cách thử độ dẻo, bạn cầm đầu và cán vợt rồi từ từ xoắn cây vợt, nếu đầu vợt dễ dàng bị xoắn thì có nghĩa khả năng chống xoắn của nó kém, và điều này sẽ ảnh hưởng đến hướng đánh của quả cầu khi chúng ta thi đấu. Để kiểm tra các thông số khác như sức căng dây và cân nặng của vợt, thông thường chúng ta có thể vào trang Web chính hãng để kiểm tra. Đối với các thuộc tính khác ví dụ như sức mạnh (power) và tính dễ dàng sử dụng của vợt chúng ta cần mang ra thử thực tế, nếu có điều kiện mượn được ai đánh thử là tốt nhất. Tóm lại, có quá nhiều điều phải biết khi lựa chọn một cây vợt cầu lông. Nếu bạn nắm được cách kiểm tra thì sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian lựa chọn. Tổng hợp từ Internet.