Ở tuổi 32 nhưng Tiến Minh vẫn đang là niềm hy vọng số 1 của Cầu lông Việt Nam. Bởi có một thực thế phũ phàng là dù đã tìm kiếm trong suốt chục năm qua vẫn chưa có một ‘Tiến Minh thứ 2’ xuất hiện. Trong thành phần đội tuyển Cầu lông Việt Nam, Tiến Minh là gương mặt kỳ cựu khi anh đã 32 tuổi. Tay vợt người TPHCM đang bước vào những năm cuối của sự nghiệp thi đấu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có gương mặt nào nổi lên để có thể đủ sức thay thế vị trí của tay vợt kỳ cựu. Không còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, Tiến Minh đã bắt đầu tính toán đến chuyện chọn lọc các giải để tham gia thi đấu. Mục tiêu số 1 của tay vợt kỳ cựu Việt Nam lúc này không phải là giành danh hiệu. Thay vào đó, Tiến Minh chỉ tham dự các giải đấu để tích lũy thêm điểm số để giành vé tham dự Olympic tổ chức tại Brazil vào mùa hè năm 2016. Điều này lý giải tại sao gần đây, Tiến Minh không tham dự những giải thuộc hệ thống Super Series. Anh chọn tham gia cấp độ Open hay Challenger..., nơi các tay vợt trong tốp 20 thế giới ít tham dự để tích điểm. Dù được đặt nhiều kỳ vọng tại Giải Yonex Sunrise Việt Nam mở rộng 2015 nhưng tay vợt số 1 Việt Nam đã chia tay giải đấu ngay tại vòng 3. Đây là lần đầu tiên sau 10 mùa giải Vietnam Open, Nguyễn Tiến Minh đã bị loại ngay từ vòng 3 đơn nam. Dù các fan hâm mộ có phần thất vọng về kết quả này, nhưng mục tiêu lúc này của Tiến Minh là nỗ lực trở lại tốp 25 thế giới, thứ hạng sẽ giúp anh thuận lợi hơn trong bốc thăm ở Olympic 2016. Theo giới chuyên môn, nếu tiếp tục duy trì phong độ và thể lực như hiện nay, Tiến Minh hoàn toàn có thể thi đấu quốc tế đến năm 35 tuổi. Tuy nhiên, tay vợt từng xếp hạng 5 thế giới thừa nhận sau Olympic Rio de Janeiro 2016, anh sẽ giải nghệ, bắt đầu một chương mới với vai trò HLV cầu lông. Phát biểu của Tiến Minh đang khiến giới chuyên môn và người hâm mộ Cầu lông trong nước cảm thấy lo lắng bởi vẫn chưa có gương mặt nào xứng đáng để khỏa lấp khoảng trống mà Tiến Minh sẽ để lại sau khi giải nghệ. Ngay cả tay vợt nữ số 1 Việt Nam, Vũ Thị Trang đang đứng trong Top 50 thế giới cũng sẽ khó có thể đạt được đẳng cấp như Tiến Minh. Tay vợt người TP HCM cũng khắc khoải, thậm chí nhiều lần bày tỏ sự ngán ngẩm bởi những tài năng trẻ như Cao Cường, Hà Anh, Thu Huyền “lớn” quá chậm. Câu hỏi về người thay thế Tiến Minh trong tương lai đã được fan hâm mộ và giới chuyên môn nhắc đến nhiều từ cách đây 2-3 năm khi tay vợt số 1 Việt Nam có dấu hiệu chững lại về phong độ. Dù những đơn vị mạnh về Cầu lông ở Việt Nam như Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng, Bắc Giang, Thái Bình… năm nào cũng có tuyển chọn VĐV năng khiếu để đào tạo. Tuy nhiên, vẫn chưa có một tay vượt trẻ nào phát lộ tài năng tương tự như Tiến Minh. Để có được những thành công như ngày hôm nay, Tiến Minh đã dày công khổ luyện và là tay vợt có ý chí, đam mê cầu lông như lẽ sống cuộc đời. Trong lần trả lời phỏng vấn gần đây nhất trên kênh truyền hình Badzine TV của Pháp tại Giải Vô địch Cầu lông thế giới 2015, Tiến Minh đã chia sẻ bí quyết thú vị giúp anh thành công cho đến lúc này: “Tôi chỉ biết chạy, chạy và chạy khắp mọi nơi. Nếu không chạy, tôi sẽ thua cuộc.” Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng để Tiến Minh có thành công cần phải kể đến là anh may mắn có một gia đình với nền tảng tài chính khá giả nên không gặp phải câu chuyện “cơm áo gạo tiền”. Xuất phát điểm của VĐV thể thao Việt Nam trong nhiều môn (cầu lông cũng có) không phải nhiều người thuộc gia đình khá giả. Đó là một rào cản có tác động đáng kể tới nỗ lực trở thành VĐV vượt trội hẳn. Thể thao Việt Nam có rất ít những gia đình có tiềm lực tài chính như Tiến Minh, Quang Liêm hay Lý Hoàng Nam,… để giúp con trai của mình theo và thành công trên con đường thể thao đã chọn mỗi năm những gia đình này đã chi ra hàng trăm nghìn USD để tham gia thi đấu và tập luyện. Những gương mặt này đều được đánh giá là những ‘con độc’ của làng Thể thao Việt Nam. Trong khi đó, hầu hết những gương mặt thành công khác của Thể thao Việt Nam đều dựa vào số tiền đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là ví dụ điển hình nhất. Theo tiết lộ số tiền đầu tư cho gần 4 năm tập luyện tại Mỹ của kình ngư trẻ đã lên tới 7 tỷ đồng. Trao đổi với báo chí, bà Huỳnh Ngọc Liên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM cho biết có 4 nguyên nhân khiến môn cầu lông nói riêng và cả Thể thao Việt Nam chưa thể đột phá, vẫn phải chấp nhận tình cảnh chỉ có một số ít “con độc” như Tiến Minh hay Quang Liêm. “Thứ nhất, chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV chất lượng cao nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa ngành thể thao và giáo dục để rồi nhiều VĐV dưới 18 tuổi vì tập trung nhiều hơn cho việc học văn hóa mà chỉ tập luyện cầm chừng. Thứ ba, chúng ta không thiếu nhân tố triển vọng nhưng rất ít người được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn. Thứ tư, chế độ đầu tư, đãi ngộ dành cho một số tài năng đặc biệt còn rất hạn chế.” Theo Hoàng nam - TTVN