[Điểm Tin] Chiến thuật đánh đơn.

Thảo luận trong 'Video Kỹ Thuật Cầu Lông' bắt đầu bởi Editor VNB, 23/11/13.

  1. Editor VNB

    Editor VNB
    Biên Tập Viên VNB

    Gài cầu để tìm cơ hội đánh cú kết thúc

    Trong đánh đơn không thể lúc nào cũng đập cầu. Chắc chắn bạn sẽ “thua” vì bạn mới chính là người phải di chuyển nhiều và tổn hao sức lực. Thay vào đó, điều quan trọng hơn là bạn phải biết cách đánh những cú gài cầu (building shots) để kiếm dần lợi thế và chỉ đập cầu khi có cơ hội dẫn đến cú kết thúc.

    Hiểu theo nghĩa đó, trong từng cú đánh qua lại các đối thủ đều tìm cách làm tăng dần lợi thế của mình lên. Sẽ luôn có một sự giằng co lợi thế giữa hai đối thủ. Người có lợi thế ban đầu sẽ cố gắng thực hiện những cú đánh để cho lợi thế ngày càng lớn hơn. Khi lợi thế đã đủ để thực hiện những cú đánh giành chiến thắng (winning shots) người chơi mới bắt đầu tìm cách kết thúc. Ngược lại, người bị thất thế phải cố gắng hoá giải lợi thế của đối thủ bằng những cú đánh trả phòng thủ mang ý tưởng gài cầu (defensive building shots), chứ không đơn thuần chỉ là chống trả những cú đánh.



    Như vậy, chiến thuật tổng quát để kiếm tìm lợi thế là:

    - Hoá giải lợi thế nếu có của đối phương bằng những cú trả cầu mang ý tưởng gài cầu để cố gắng đưa mình ra khỏi tình huống bất lợi;

    - Dùng những cú gài cầu (building shots) để tìm kiếm dần dần lợi thế trước đối phương. Lợi thế dù nhỏ nhưng hãy cố gắng duy trì, chờ cơ hội phát triển lợi thế lớn hơn. Dĩ nhiên là bạn vẫn nên tiếp tục những cú gài cầu.

    - Khi cơ hội đủ lớn, hãy thực hiện ngay những cú đánh giành chiến thắng (winning shots) để kết thúc loạt đôi công. Không nên tiếp tục “giằng co” với đối thủ bằng những cú gài khi mà bạn đã có cơ hội đánh cú kết thúc. Cơ hội đã đến và hoàn toàn có thể sẽ ra đi rất nhanh chóng mà … không quay lại nữa. Bạn sẽ phải hối tiếc vì đã bỏ phí nó!

    ………………………………………
    +Tìm kiếm lợi thế trong đánh đơn bằng những cú đánh


    a. Dùng những cú trả cầu bổng và sâu (clear shots)

    * Tuỳ theo đường cầu đi (trajectory) có thể phân cú đánh cầu bổng sâu (clear) làm ba loại: loại cầu bổng đơn thuần (standard clear), loại cầu bổng mang tính chất phòng thủ (defensive clear) và loại cầu bổng mang tính chất tấn công (attacking clear).

    - Standard clear: Có độ cao giữa defensive clear và attacking clear (vừa đủ an toàn không bị đối thủ nhảy lên “bắt”), vượt qua được khoảng giữa sân và hướng về cuối sân.

    - Defensive clear: Có độ cao rất cao. Thường được dùng khi cứu cầu. Khi thực hiện cú defensive clear bạn có nhiều thời gian để củng cố vị trí phòng ngự, ngược lại, đối thủ cũng có nhiều thời gian chuẩn bị tấn công. Tuy nhiên, hoàn cảnh ở đây buộc bạn phải cố gắng thoát ra khỏi hoàn cảnh “hiểm nghèo” của mình trước đã, trước khi có ý định “áp đặt” gì đó lên đối phương. Bao giờ cũng vậy, cú defensive clear nên đánh vào cuối đường giữa sân (vị trí tốt nhất cho cú đánh này).

    - Attacking clear: Có độ cao thấp nhất trong ba loại vừa kể, đa số trường hợp chỉ vừa đủ cao để qua khỏi tầm với đối phương lúc đứng. Cú đánh này nhằm tranh thủ thời gian đẩy cầu ra sau đối phương, khiến đối phương có rất ít thời gian để xoay trở.

    * Các cú clears còn được phân loại tuỳ vào góc đánh:

    - Cú đánh cầu bổng thẳng ra sau (straight clear) được khuyên nên thường sử dụng nhất vì sau cú đánh đó bạn vẫn duy trì được vị trí trung tâm ổn định của mình và bao quát được các cú trả cầu của đối phương.

    - Cú đánh cầu bổng chéo sân (cross-court clear) có tiềm ẩn nguy cơ bị đánh trả bắng cú đập thẳng của đối phương. Tuy nhiên nếu cú đánh cầu bổng chéo sân làm bất ngờ được đối thủ thì vẫn có tác dụng tốt. Hoặc, cú đánh bổng chéo sân đó lại buộc đối phương phải đánh trả bằng một cú trái tay thì bạn cũng đã giảm sức ép từ đối thủ và gây được khó khăn lên họ. Tránh đánh một cú cầu bổng sâu bằng cách đánh trái tay. Cách đánh này thường là yếu và khó mà đưa cầu đến được cuối sân. Và như vậy chẳng khác nào bạn đang “tự sát” khi nêu cầu cho đối phương đánh. Nhất là khi đối thủ lại là người thuận tay trái, cú đưa cầu của bạn sẽ không khác gì một cú … đưa cầu tập!

    ………………………………………





    b. Dùng những cú đánh lưới / bỏ nhỏ (drop shots)

    * Tuỳ theo đường cầu đi có thể phân ra các cú đánh lưới: cú đánh lưới gần (slow drop shot) và cú đánh lưới xa (fast drop shot). Nhiều người chơi thường nghĩ rằng đã đánh lưới thì càng sát càng tốt. Tuy nhiên đây lại là một suy nghĩ không chính xác và cần phải điều chỉnh!

    - Slow drop shot: Đây là một cú đánh lưới gần, điểm rơi nằm trong khoảng từ lưới đến vạch đứng giao cầu, và dĩ nhiên đã đánh cú slow drop shot thì càng sát lưới càng tốt. (Cú đánh này hoàn toàn “khớp” với thuật ngữ “bỏ nhỏ” trong tiếng Việt. Đã “bỏ nhỏ” thì phải sát lưới, như vậy mới là “nhỏ”.) Ưu điểm của bỏ lưới gần là đối phương, nếu lên lưới chậm, sẽ không có khả năng đánh trả cầu sâu, và chỉ có thể đánh lưới trở lại khi mà bạn đã ở những vị trí sẵn sàng đánh chặn. Để đánh được cú bỏ lưới gần này lực ra phải nhẹ, chỉ vừa đủ để cầu qua lưới. Và đây cũng chính là “mặt trái” của cú bỏ lưới gần. Cầu đi chậm và đối thủ sẽ có nhiều thời gian để kịp lên lưới. Thậm chí nếu đối thủ là một tay vợt đẳng cấp họ hoàn toàn có thể kịp lên đến lưới và đánh một cú kết thúc mà bạn không có cơ hội đánh trả.

    - Fast drop shot: Đây là một cú bỏ nhỏ quanh khu vực vạch giới hạn đứng giao cầu, nghĩa là gần đối phương hơn! Sao kỳ vậy? Vấn đề ở đây là khi đánh cú fast drop shot bạn có thể ra lực mạnh hơn và tốc độ cầu đi nhanh hơn. (Gần giống với một cú đập đờ-mi nửa sân.) Chính vì vậy dù điểm rơi của cầu có vẻ gần đối thủ hơn nhưng họ sẽ có ít thời gian xoay trở hơn và thường phải đỡ cầu sát với sàn. Và như vậy có thể họ gặp khó khăn hơn. Bù lại, đối thủ sẽ có một góc đánh rộng hơn vì cầu ở xa lưới hơn.

    - Drive-drop shot: Dùng khi cầu đã xuống vị trí tương đối thấp. Cú đánh này cũng thuộc loại fast drop shot, nhưng khác ở chỗ đường cầu “lài” hơn, cầu cắm xuống khu vực phía dưới vạch giới hạn đứng giao cầu (gần với khu vực giữa sân). Lực trong cú đánh này khá mạnh, cầu đi nhanh và thường đối phương không thể đánh trả lại bằng một cú bỏ nhỏ sát lưới.

    * Tuỳ vào góc đánh, ta có các cú đánh lưới sau:

    - Đánh lưới vào giữa (drop shot in the middle): Khi không thể đánh một cú cầu bổng và sâu ra sau (cũng vào khu vực giữa), hãy đánh lưới vào giữa. Bằng cách này bạn đã hạn chế tối đa góc đánh trả của đối phương.

    - Đánh lưới thẳng (straight drop shot): Là cú đánh an toàn và có hiệu quả nhất (đặc biệt là khi đáp trả cú đánh chéo sân của đối thủ) do đường cầu đi ngắn, đối phương ít thời gian xoay trở. Ngoài ra từ vị trí trung tâm bạn có thể tiếp cận rất nhanh nơi đánh lưới (vì chỉ di chuyển thẳng lên một đoạn ngắn so với đối thủ) để sẵn sàng cho các cú đánh chặn.

    - Đánh lưới chéo sân (cross-court drop shot): Cú đánh lưới chéo sân giúp đa dạng các phương án đánh lưới và có thể gây ra bất ngờ cho đối phương. Tuy nhiên cú đánh này có tiềm ẩn rủi ro là bạn có thể bị đặt dưới áp lực phải di chuyển nhiều khi bạn muốn di chuyển đến vị trí trung tâm của mình.

    ………………………………………




    c. Dùng những cú đánh sát lưới (net shots)

    * Khi nào dùng cú đánh sát lưới (net shot)? Một trong ba trường hợp sau đây:

    - Sau khi đối phương vừa thực hiện một cú đánh lưới (drop shot).

    - Sau khi đối phương vừa đỡ một cú cầu đập của bạn (block return of smash).

    - Sau khi đối phương vừa thực hiện một cú đánh cầu bỏ sát lưới (net shot)

    Cần chú ý, khi bạn thực hiện một cú đánh sát lưới hãy cho trái cầu vượt khỏi lưới hơi cao một chút, khi rơi xuống nó sẽ sát vào lưới. Ngược lại, nếu bạn chú ý đánh cho trái cầu khi đi qua lưới thật sát vào lưới, khi rơi xuống nó sẽ nằm xa lưới hơn! Do đó luôn có sự đánh đổi khi thực hiện cú đánh sát lưới. Bỏ cầu bổng một chút để rơi sát lưới gây nguy hiểm hơn cho đối phương nhưng có thể dễ bị chụp lưới. Hay, bỏ cầu sát lưới khiến đối phương rất khó chụp lưới, nhưng không thật nguy hiểm cho đối phương vì cầu rơi hơi xa lưới khiến đối phương có góc đánh trả rộng hơn. Chọn cách đánh nào sẽ tuỳ từng trường hợp cụ thể.

    * Tuỳ vào góc đánh trong net shot ta có các kiểu đánh sau:

    - Straight net shot: Đánh sát lưới thẳng trước mặt. Cú đánh này tạo cho bạn rất nhiều lợi thế trước đối phương vì sau khi thực hiện cú đánh bạn luôn có thể chiếm giữ vị trí tốt nhất để đánh chặn những cú đáp trả của đối phương.

    - Cross-court net shot: Cú kéo lưới chéo sân có thể “độc” và “đẹp”, gây cho đối thủ bất ngờ, và đôi khi có thể trở thành cú đánh kết thúc (winning shot). Tuy nhiên, đổi lại bạn luôn có nguy cơ đánh hỏng, chịu áp lực di chuyển theo trái cầu của mình (di chuyển vị trí trung tâm đến nơi thuận lợi để sẵn sàng đón đường trả cầu của đối phương), hoặc bị “chết” vì đối phương thực hiện cú đánh trả thẳng về lưới (straight net shot) khi mà bạn còn đang đứng … ở góc lưới bên này sân! Do đó không nên tuỳ tiện đánh cú cross-court net shot nếu không chắc mình có thế thượng phong!

    - Spin net shot: Cú đánh này như một cú sủi cầu qua lưới từ tầm thấp và rất sát lưới, trái cầu như “lộn” qua mép lưới rồi rơi thẳng xuống. Đối phương rất khó để chống đỡ cú đánh này.

    ………………………………………

    http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=U0lmRWX9ycI





    http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=vFx6pD4XUDo
    074.jpg
    d. Dùng những cú đánh nâng cầu (lift shots)

    - Nâng cầu với mục đích phòng thủ: Nâng cầu bổng và sâu (lift) là một biện pháp tốt để hoá giải lợi thế của đối phương đang có. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để củng cố việc phòng ngự của mình, trong khi đó góc đánh của đối phương lại bị thu hẹp lại. Khi đang trong tình thế hiểm nghèo, buộc phải nâng cầu bổng, hãy nâng cầu bổng và sâu vào giữa sân (sát biên cuối sân). Đừng nâng cầu vào góc sân!

    - Nâng cầu với mục đích tấn công: Khi bạn muốn kết hợp việc nâng cầu với việc ép sân đối phương, bạn có thể nâng cầu chéo sân. Chú ý rằng, trường hợp này (bạn đang trong tình huống không bị động) khác với trường hợp trên (đang trong tình huống hiểm nghèo), việc nâng cầu bổng chéo sân buộc đối phương phải di chuyển nhiều. Ngoài ra nâng cầu bổng sâu về hướng trái tay cũng làm hạn chế sức tấn công của đối phương.

    http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=am_ljor0nz0





    http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=9V7SHzCy2ZI

    e. Dùng những cú đánh cầu tạt (drive shots)

    - Khi nào thì đánh cầu tạt? Trong đánh đơn người ta ít đánh cầu tạt (so với trong đánh đôi). Thời điểm tốt nhất để đánh cú cầu tạt là khi đối phương bị mất thăng bằng và chưa di chuyển kịp đến vị trí trung tâm (thường là sau một cú đập cầu).

    - Đánh cầu tạt vào đâu? Hãy đánh vào bất cứ khoảng trống nào bên phần sân đối phương, dĩ nhiên càng xa tay họ càng tốt! Đối phó với cú đập thẳng, hãy tạt cầu chéo sân. Ngược lại, đối phó với cú đập chéo sân, bạn hãy tạt thẳng.

    - “Bị” cầu tạt thì đánh trả thế nào? Cú đánh trả cầu tạt tốt nhất là … cú cầu tạt. Nghĩa là, người ta “tạt” mình thì mình … “tạt” lại! Tuy nhiên, nếu nhắm mình không có khả năng chiến thắng trong cuộc đôi công cầu tạt đó, thì phải tìm cách khác. Nếu chỉ muốn hoá giải ưu thế của đối thủ trước đã hãy nâng cầu bổng sâu vào giữa (lifts). Nếu muốn tạo cơ hội tấn công trở lại hãy đỡ cầu gài lưới vào góc lưới xa tay đối phương.

    ………………………………………

    f. Dùng những cú đập cầu (smash shots)

    * Ích lợi của cú đập cầu: Cú đập cầu không chỉ để giành chiến thắng, mà còn để tạo ra cơ hội giành chiến thắng.

    - Sau một cú đập cầu ra biên của bạn, nếu đối phương đánh trả bằng một cú nâng cầu, đập cầu tiếp về biên đối diện là một lựa chọn tốt, vì đối phương có thể chưa di chuyển kịp về vị trí trung tâm.

    - Sau cú đập của bạn, nếu đối phương đánh trả cầu tạt, bạn hãy tạt lại (nếu bạn có khả năng tạt cầu tốt). Hãy nhớ rằng, trong cuộc chiến cầu tạt này, lúc đầu đường cầu tạt của đối phương phải hướng lên (vì trả cầu đập), còn bạn nếu nhanh nhẹn tạt cầu đáp trả, đường cầu của bạn là hướng xuống. Bạn đang uy hiếp được đối phương.

    * “Mặt trái” của cú đập cầu trong đánh đơn. Sau cú đập cầu thường bạn trong trạng thái mất thăng bằng hơn đối phương. Nếu đối phương đánh trả cú đập cầu bằng một cú gài lưới tốt nhiều khả năng bạn lâm vào tình huống nguy hiểm.

    * Nếu có thể đập cầu bạn nên đập vào đâu? Hãy thực hiện những cú đập ở hai biên. Điều này buộc đối phương phải “căng sức” trên toàn bộ chiều rộng của sân. Đôi khi bạn thực hiện cú đập cầu đột ngột vào ngay người đối phương cũng sẽ tạo nên sự lúng túng trong chống đỡ. Cú đập cầu thẳng bao giờ cũng an toàn cho bạn và nguy hiểm hơn cho đối phương. Do đó nên ưu tiên đập cầu thẳng. Cú đập cầu chéo sân chỉ nên áp dụng để làm đa dạng hướng đánh và gây bất ngờ cho đối thủ.

    ………………………………………

    http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=bNvGWHhSDxQ

    +Đánh cú giành chiến thắng (winning shots)

    Khi lợi thế giành được đủ lớn, hãy tìm cách đánh cú giành chiến thắng ngay. Không nên đánh giằng co thêm với mục đích … “biểu diễn” hay để “tra tấn, tiêu hao sinh lực” đối phương, nhất là khi bạn chưa chắc đủ “lực” thực hiện ý đồ của mình suốt ván đấu. Đối phương sẽ luôn tìm cách hoá giải lợi thế của bạn. Khi đó, cơ hội sẽ nhanh chóng trôi qua và không trở lại nữa.

    a. Chiến thắng loạt đôi công ở vùng lưới

    * Muốn chiến thắng loạt đôi công ở vùng lưới bạn cần:

    - Có khả năng cảm nhận cơ hội sớm.

    - Nhanh nhẹn và luôn trong tư thế “sấn” về phía lưới để đánh cầu ngay ở trên lưới.

    - Có kỹ thuật đánh cầu trên lưới tốt. Cú đánh cầu trên lưới càng cắm càng tốt.

    * Nếu bạn đã chụp lưới thật “sắc”, cầu cắm ngay xuống đất thì quá tốt. Gần như đối thủ không thể đánh trả cho dù cầu rơi ở đâu. Nếu cú chụp cầu của bạn ở thế hơi “lài” thì nên chú ý đến góc đánh, hoặc càng xa tay đối phương càng tốt hoặc ngay người đối thủ.

    b. Chiến thắng loạt đôi công bằng cú đập

    Bạn có thể giành chiến thắng trong loạt đôi công bằng cú đập trong hai tình huống: hoặc là đối phương đang ở trong vị trí bất lợi, hoặc là bạn đang ở trong vị trí có lợi.

    - Đối phương đang ở trong vị trí bất lợi. Nghĩa là, đối phương không đang sẵn sàng ở vị trí trung tâm. Nếu đối phương lên quá cao thì bạn đập ra sau, ra lệch một biên thì đập qua biên đối diện, nếu họ chưa có thế đứng thăng bằng thì đập ngay người, nếu vợt vẫn còn nằm hẳn một phía thì đập qua phía ngược lại, …

    - Bạn đang ở trong vị trí có lợi, tư thế sẵn sàng. Nếu bạn đang đứng ở vị trí giữa sân, hãy đập cầu vào ngay người của đối phương. Nếu bạn đang đứng ở cuối sân, hãy đập cầu ra biên.

    Sau khi thực hiện cú đập cầu bao giờ cũng chú ý việc sẵn sàng lên lưới để đón cú trả cầu của đối phương.

    ………………………………………

    9/ Những động tác giả đánh lừa đối thủ (deception)

    Kỹ thuật “đánh lừa” (sự phán đoán của) đối thủ nên là một phần trong toàn bộ kỹ thuật đánh cầu của người chơi. Những vận động viên đẳng cấp cao bao giờ cũng có “chiêu’ riêng của mình để tạo sự khác biệt, hơn nữa làm thú vị khán giả.

    a. Các kỹ thuật đánh lừa / động tác giả (deceiving techniques)

    - Cú chặt cầu (slice): Khi vợt chạm cầu mặt vợt nghiêng đi một góc, cầu sẽ di chuyển một hướng khác với mặt vợt, đồng thời di chuyển chậm hơn. Cú chặt cầu tạo hình ảnh bên ngoài như một cú đập thẳng mạnh nhưng cầu lại di chuyển nhẹ theo một hướng khác.

    - Vẩy cổ tay: Có thể đưa cầu đi xa, mạnh bằng cú vẩy cổ tay ra lực. Cú đánh này thường có thể gây bất ngờ và “lố cầu” cho đối phương.

    - Đánh hai nhịp (double motion): Đưa vợt lên một hướng, rút lại và đánh theo hướng khác.

    Tuy nhiên kỹ thuật đánh lừa chỉ thực sự có giá trị “đánh lừa” khi đối phương … bị lừa! Còn không, kỹ thuật này chỉ có tác dụng làm “khựng lai” / chậm trễ phản ứng của đối thủ đôi chút. Do đó động tác giả của bạn có thể lừa được “tay mơ”, làm khựng lại đôi chút người chơi giỏi, nhưng hoàn toàn bị vô hiệu hoá trước một vận động viên chuyên nghiệp!

    b. Bí quyết thành công của “động tác giả”?

    - Thực hiện các cú đánh bề ngoài thì như nhau (từ tư thế chuẩn bị, dậm nhảy, ra vợt và vung tay) nhưng khi mặt vợt tiếp xúc cầu thì khác nhau, lực phát ra cũng khác nhau.

    - Che mắt đối thủ: Thể hiện cho đối thủ thấy dường như bạn đang chuẩn bị cho một cú đập, nhưng bất ngờ khi vung tay ra lại là cú bỏ nhỏ. Cú đánh giả nên thể hiện sao cho rõ ràng, dễ thấy. Cú đánh thực nên ra thật nhanh, tiếp liền sau hành động giả để đạt mức thành công cao.

    ………………………………………

    Kết luận

    Những “bàn bạc” trên chỉ là những cách đánh có thể trong một tình huống cụ thể. Những người chơi không chỉ khác nhau về sức mạnh, nhanh nhẹn, kỹ thuật mà còn về tư duy. Sự vận dụng linh hoạt tuỳ tình huống, thậm chí làm khác “sách vở”, không rập khuôn, sẽ đem lại những lợi thế bất ngờ.

    Tổng hợp từ Internet.
    Last edited: 23/11/13
    Tags:
    sunlai and kentran like this.
  2. Nqu Nqơ Nqố Nqờ Nqhệc

    Nqu Nqơ Nqố Nqờ Nqhệc
    Mới Tập Cầu Lông

    :3 qá hay, để áp dụng thử
  3. lê quang duy

    lê quang duy
    Mới Tập Cầu Lông

    còn phần giao cầu và trả cầu nữa :((.

Chia sẻ trang này

Đang tải...