[Tập Luyện] Chấn thương khớp cổ tay.

Thảo luận trong 'Tập Luyện Thể Lực - Chấn Thương' bắt đầu bởi Editor VNB, 25/11/13.

  1. Editor VNB

    Editor VNB
    Biên Tập Viên VNB

    Chấn thương khớp cổ tay khi chơi cầu lông thường gặp trong hai trường hợp: té chống tay xuống đất (sudden impact) hay do sử dụng khớp cổ tay liên tục và quá sức khi đánh cầu (repetitive stress). Chấn thương do té chống tay xuống đất có thể có kèm theo gãy xương hay không. Trong khi đó, chấn thương khớp cổ tay do lặp đi lặp lại động tác quá sức thường làm tổn thương (đứt vi thể) các dây chằng vùng khớp mà không kèm theo gãy xương.
    CTKhopCoTay.jpg
    1. Cấu trúc giải phẫu của khớp cổ tay

    Có thể nói khớp cổ tay (wrist) là khớp phức tạp nhất cơ thể. Chính sự phức tạp đó giải thích tại sao “đôi tay vàng” của con người có thể làm nên những điều tinh vi, kỳ diệu! Trong một phạm vi cơ thể không lớn lắm, tại khớp cổ tay “tập trung” hai xương dài từ cằng tay xuống (xương trụ và xương quay), một nhóm 8 xương bé con con ở mu bàn tay (carpals). Ngoài ra còn có hàng chục đốt xương ngón tay. Do vậy, tại khớp cổ tay tồn tại một hệ thống dây chằng rất dày đặc (nối nhiều xương với nhau) nhưng lại khá mỏng manh (vì đa phần chỉ là xương nhỏ).
    CTKhopCoTay1.jpg
    Chấn thương khớp cổ tay thường xảy ra ở vùng tập trung 8 xương con và đầu 2 xương cánh tay (xương trụ và xương quay).

    Chấn thương có thể chỉ có liên quan đến phần mềm (viêm dây chằng, bong gân, đứt vi thể dây chằng), hay có liên quan cả phần cứng (gãy xương). Chấn thương khớp cổ tay thường xảy ra khi cổ tay bị bẻ cong quá mức (gấp vào hay ngửa ra) một cách đột ngột (ví dụ khi té chống tay xuống đất); hay do lặp đi lặp lại động tác đánh cầu dùng khớp cổ tay quá sức (ví dụ, thường đánh cú trái tay, gập cổ tay khi đập cầu, …). Nên nhớ, phải là lực tác động quá sức chịu đựng của khớp mới gây ra chấn thương được.

    ……………………………………

    2. Chấn thương khớp cổ tay thường gặp: Nguyên nhân và cách điều trị

    Không kể những trường hợp gãy xương ở khớp cổ tay, bong gân khớp cổ tay (wrist sprain) là loại chấn thương dễ gặp khi chơi cầu lông (té chống tay xuống đất hay lặp đi lặp lại động tác đánh cầu quá sức). Một số triệu chứng của bong gân khớp cổ tay gồm: đau, sưng phù vùng khớp ít nhiều, có thể có dấu hiệu bầm tím ở khớp. Có ba mức độ bong gân:

    - Mức độ 1: Cảm giác đau, kèm theo tổn thương nhẹ ở các dây chằng (chưa có đứt vi thể). Chức năng khớp ít thay đổi.

    - Mức độ 2: Cảm giác đau, kèm theo tổn thương nặng hơn ở các dây chằng (đã có đứt vi thể một phần). Chức năng khớp bị ảnh hưởng một phần.

    - Mức độ 3: Cảm giác đau nhiều, kèm theo tổn thương (đứt) hoàn toàn một hay nhiều dây chằng. Chức năng khớp bị ảnh hưởng rất nhiều.

    Xử trí tức thời bong gân: dùng liệu pháp RICE. Trong trường hợp chấn thương nhẹ, bạn có thể tự tiếp tục liệu pháp RICE tại nhà trong vòng không quá hai tuần lễ. Trong trường hợp có đau và sưng nhiều hơn, bạn có thể dùng thêm thuốc giảm đau, và thuốc kháng viêm không có steroid, nếu cần. Cũng có thể dùng thêm các công cụ hỗ trợ khớp (như băng khớp, nẹp khớp) để làm bất động khớp. Nhưng tốt nhất, với những trường hợp dai dẳng hay có vẻ nghiêm trọng này bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên về chấn thương thể thao càng sớm càng tốt để có chỉ định điều trị chính xác hơn.

    ……………………………………

    3. Đề phòng chấn thương khớp cổ tay

    Nếu bong gân khớp cổ tay do té chống tay xuống đất thì nói chung là … không đề phòng được! Bởi vì, đây là tai nạn. Mà đã là tai nạn thì “nó” có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai (kể cả vận động viên chuyên nghiệp. Có lẽ, trừ phi bạn có học … võ (nhu đạo, Aikido), rành các thế té để không bị chấn thương, thì may ra mới đề phòng được!

    Do đó, đề phòng chấn thương khớp cổ tay ở đây chỉ đề cập đến các trường hợp do lặp đi lặp lại các động tác quá sức trên khớp. Có thể kể đến:

    - Khởi động cơ thể nói chung và khởi động khớp cổ tay là việc rất nên làm trước khi chơi cầu lông. (Xem thêm bài “Kéo dãn cơ ở trạng thái tĩnh“)

    - Đánh cầu đúng động tác. Muốn đánh cầu đúng động tác (đúng kỹ thuật) thì phải … học. Đương nhiên rồi, cái gì ta muốn làm tốt mà chả phải học! Thế nhưng, phần lớn những người chơi cầu lông “amateur” cứ thích … là chơi, chả việc gì phải học hay tìm hiểu. Thôi thì … cũng được! Chơi cho vui, chơi cho khỏe thôi mà. Nhưng nếu chơi mà không khỏe (bị đau tay, đau chân), thì bạn phải chú ý tìm hiểu hay hỏi những người có kinh nghiệm, hiểu biết hơn mình, xem động tác mình đánh cầu có đúng không. Đôi khi đó chính là nguyên nhân.

    - Mang dụng cụ hỗ trợ khớp cổ tay (wrist guards). Các dụng cụ này hữu ích cho người có tiền sử chấn thương khớp cổ tay, hoặc khớp dễ bị tổn thương.
    CTKhopCoTay3.jpg
    4. Xem để biết thêm


    Tổng hợp từ Internet.
    Tags:
  2. Li.ning

    Li.ning
    VĐV Bán Chuyên

    Hay quá.

Chia sẻ trang này

Đang tải...