Hướng dẫn chọn mua vợt cầu lông

Thảo luận trong 'Vợt, Giày, Trang phục & Phụ kiện cầu lông' bắt đầu bởi BuiDat, 29/11/11.

  1. BuiDat

    BuiDat
    VĐV Bán Chuyên

    I. Cấu tạo vợt

    Vợt cầu lông gồm 4 phần: Khung, Cán, Tay cầm, Mặt vợt.

    View attachment 35

    Khung: là phần được căng dây.
    Đủ cứng để chịu được lực kéo căng của dây.
    Có độ cân bằng động cao
    Ít cản gió
    Thời gian giữ sức căng của dây lâu dài
    Tâm va đập phù hợp với cấu trúc hình học
    Cán: là phần nối từ khung đến tay cầm là phần tích trữ thế năng sinh ra do sự vận động chuyển thành động năng khi mặt vợt tiếp xúc với quả cầu.
    Có độ dẻo phù hợp với từng cấp độ sử dụng
    Độ đàn hồi cao để tích trữ thế năng tốt
    Khả năng chống Momen xoắn cao giúp vợt ít bị xoay khi điểm tiếp xúc cầu không trên trục dọc vợt.
    Tay cầm: là bộ phận người chơi nắm giữ vợt và thường được chế tạo từ gỗ siêu nhẹ có bọc da. Tay cầm là vị trí nhà sản xuất điều chỉnh trọng lượng và vị trí cân bằng của vợt.
    Mặt vợt: Do dây đan liên kết tạo thành. Cơ tính của mặt vợt quyết định bởi loại dây, sức căng, hình dạng mặt vợt.

    II. Mối liên quan giữa lối chơi và tính năng kỹ thuật:


    A/ Tổng quát:
    Có rất nhiều lối chơi khác nhau. Dựa vào năng lực công nghệ của mình các hãng đưa ra cách phân loại khác nhau.
    -Hãng Yonex Phân loại theo Công đơn, Thủ đơn, Công đôi, Thủ đôi. Họ lập ra một bản đồ có trục tung là công thủ, trục hoành là đơn đôi. Trên bản đồ đó họ vẽ vùng sử dụng của từng mô đen khác nhau. Người chơi căn cứ vào đó tự chọn loại vợt cho mình.
    -Hãng Wilson phân loại theo mức độ trợ lực và khả năng kiểm soát cầu. Càng có lợi về lực thì càng thiệt về kiểm soát và ngược lại. Trên mỗi cán cây vợt thường có các dòng chữ thiếng Anh khuyến cáo cây vợt đó dùng cho lối chơi nào.
    -Hãng Fleet phân loại theo lối đánh mạnh mẽ hay khéo léo hay kết hợp cả hai lối đánh trên dựa trên ba mức độ chính về thể lực. Nhóm 1: Vận động viên; Nhóm 2: Nhóm có thể lực tương đối tốt; Nhóm 3: Nhóm có thể lực trung bình.
    Để có được thông tin chính xác về sản phẩm cần gặp nhà phân phối của chính sản phẩm đó. Nhưng đó là vấn đề khó khăn đối với người tiêu dùng.

    B/ Biểu đồ và bảng đánh giá một số loại vợt Yonex:
    Một số hướng dẫn để đọc biểu đồ. Trên biểu đồ bao gồm 2 trục:
    - Trục dọc theo phương thẳng đứng thường biểu diễn cho lối chơi. Nằm ở phần phía trên là các loại vợt phù hợp với lối chơi thiên về sức mạnh - đập cầu nhiều, còn ở phía dưới là các loại vợt thích hợp cho lối chơi phòng thủ - uyển chuyển, mềm mại.
    - Trục ngang: thể hiện về nội dung đánh đôi hay đánh đơn. Nằm ở phía bên trái là các loại vợt phù hợp với nội dung đánh đôi - vợt thường là cân bằng và có khả năng xoay xở tốt, và phía phải các loại vợt thích hợp cho đánh đơn - vợt thường nặng đầu, xoay xở chậm nhưng có khả năng tạo ra những cú đập cầu uy lực hơn.

    View attachment 36

    Ký hiệu một số loại vợt Yonex:
    - AT: Armortec
    - NS: Nanospeed
    - Ti: Titan
    - MP: Muscle Power
    - ISO: Iso Metric
    - CAB: Carbonex
    - AR: Aerotus

    View attachment 37

    II. Cách chọn vợt:

    Người mua vợt có thể căn cứ vào các đặc điểm sau để tự chọn cho mình một cây phù hợp:
    A/ Trọng lượng
    Thường được ghi kí hiệu bằng chữ U trên tem dán ở phần cán tiếp giáp với thân vợt.
    Số U càng lớn, vợt càng nhẹ;
    2U (90-94 gr)
    3U (85-89 gr)
    4U (80-84 gr)
    Với người châu Á nói chung, 3U (85-89 gr) là trọng lượng vợt vừa phải; ai có cánh tay và cổ tay khỏe, có thể chọn 2U (90-94 gr); các bạn nữ, các em thiếu niên có thể chọn loại nhẹ hơn như 4U (80-84 gr) hoặc 5U (dưới 80 gr).
    Nếu tính thêm trọng lượng dây và băng quấn cán, chiếc vợt sẽ nặng thêm trên dưới 10 gr nữa.

    B/ Chu vi cán vợt
    Thường được các nhà sản xuất ghi bằng chữ G cũng ở trong tem, ngay bên cạnh số chữ U trọng lượng. Số G càng lớn, cán vợt càng nhỏ; người to lớn thường chuộng cán chu vi G2, G3, còn người trung bình trở xuống thường chọn G4, G5. Như vậy, khi đọc tổng thể tem dán về tính chất vợt, có thể thấy 3UG4 hoặc 4UG5..., bạn có thể hiểu nó có vừa vặn với mình không.

    View attachment 38

    C/ Chiều dài vợt
    Được các nhà sản xuất ghi ở phần thân vợt. Độ dài tiêu chuẩn của vợt cầu lông từ cả trăm năm nay là 665 mm; hơn thập kỷ qua, để nâng thêm ưu thế tấn công, người ta sản xuất ra các loại vợt dài hơn (nhưng không vượt quá 680 mm là tiêu chuẩn cho phép). Ngày càng có nhiều loại vợt được ghi "long" hoặc "longsize", với chiều dài khoảng 675 mm. Trong các hãng sản xuất thì Carlton là trung thành với việc làm ra vợt 665 mm; hầu hết các chủng loại của Yonex dài 675 mm, Gosen còn nhích thêm một chút (678 mm). ProAce, Caslon, Victor nay cũng có các loại vợt có chiều dài xê xích để bạn dễ chọn. Vợt ngắn hay dài là tùy thích, nhưng nên cân nhắc kĩ trước khi mua cái thứ hai (để dự trữ), sao cho vợt sử dụng thường ngày nên cùng một độ dài, đỡ lúng túng khi thay đổi.

    D/ Điểm cân bằng của vợt
    Điểm cân bằng của vợt chỉ ra rằng vợt nặng đầu hay nhẹ đầu. Điều này khá quan trọng, ảnh hưởng đến phong cách đánh và hiệu quả thi đấu.
    Vợt Công - nặng đầu (heavy head) hay offensive (công) : phù hợp với các cú đập, đánh mạnh, cầu đi sâu xuống cuối sân.
    Vợt Công-Thủ - cân bằng (even balance)
    Vợt Thủ - nhẹ đầu (light head) hay defensive (thủ) : phù hợp với các cú chặn cầu, cắt cầu. đẩy cầu, chém cầu.
    Những khái niệm này có khi được ghi trên thân vợt, chữ khá nhỏ, phải chú ý mới thấy. Bạn nào trẻ khỏe, hay đập cầu, tạt cầu, lấy thế công làm chính thì thường thích vợt nặng đầu; ngược lại, các anh quá tuổi trung niên, các bác hưu trí yếu sức hơn, hay đánh zic zac, lấy thế thủ và thế gài cầu làm chính thì thường thích vợt nhẹ đầu. Ai có lối đánh công thủ tương đối toàn diện thì có vẻ phù hợp với loại balance. Một số vợt đời sau của ProAce, Caslon, Ashaway có loại nặng đầu, với Yonex là CAB 20MS, CAB 30MS, Ti10, MP88, AT700, AT800... Khi chọn mua, cầm thử cũng có cảm giác ban đầu về việc này.

    E/ Độ dẻo cán vợt
    Độ dẻo cán vợt thường phân ra 5 bậc:
    1. Rất dẻo: Đánh cầu lắt léo, khó điều khiển cầu nhưng đối phương khó đoán hướng
    2. Dẻo: Đánh cầu nhẹ, khéo. Phù hợp lối chơi tiết kiệm sức và nặng về phòng thủ
    3. Trung bình: Loại này công thủ đều đạt mức độ trung bình. Với người chơi nghiệp dư giỏi loại này rất phù hợp. Khi chọn mua loại này nên chú ý đến trọng lượng và điểm cân bằng để chọn phù hợp với sở trường của mình.
    4. Cứng: Đánh cầu mạnh. Phù hợp với người trẻ, có sức mạnh.
    5. Rất cứng: Cú đập cực mạnh, chuẩn xác. Cú giật cổ tay uy lực. Loại này phù hợp với các vận động viên chuyên nghiệp.
    Người có lực cổ tay mạnh ưa dùng vợt thân cứng; nếu lực cổ tay hơi yếu bạn chọn vợt hơi dẻo (flexible) hơn. Với vợt thân dẻo, độ linh hoạt khi sử dụng cũng cao hơn. Thực tế, các nhà sản xuất cũng có "chiêu" làm tăng độ dẻo thân vợt dù thân làm bằng chất liệu cứng, nói nôm na là "tăng lực". La Fleche thì có thân vợt nhỏ dần từ cán lên, Wilson thì "trợ lực" ở phần cán tiếp giáp thân vợt, Gosen thì thiết kế thân vợt có một đoạn nối ngắn. Dù sao, hiệu quả sử dụng các loại vợt "tăng lực" này còn tùy vào tài nghệ của bạn chứ không cứ "tăng" là tốt. Ngoài ra, có nhà sản xuất ghi rõ trên thân vợt chữ offensive (công) hoặc defensive (thủ) cho bạn dễ chọn cái hợp "gu".
    Nếu bạn không dự định làm vận động viên chuyên nghiệp thì việc loại vợt nào chuyên dùng để đánh đơn hay đánh đôi cũng không quan trọng lắm. Dân phong trào thường lấy đánh đôi làm chính.

    F/ Mức độ trợ lực
    Mức độ trợ lực phân ra 5 cấp:
    1. Không trợ lực: Cán bằng vật liệu thép, không trợ lực.
    2. Có trợ lực ít: Cán bằng Graphite thường.
    3. Có trợ lực: Cán bằng Graphite module cao*.
    4. Trợ lực cao: Cán bằng Graphite module cao* có pha Titan hoặc cácbon dạng sóng, cấu trúc Nano.
    5. Trợ lực cao nhất: Cán bằng Graphite module* cao có titan, cấu trúc Nano nhóm, khung vợt rộng bản có muscle.
    * Vợt chế tạo từ Graphite module cao mới có khả năng chống xoắn cán khi đập mạnh cầu không trúng đường tâm dọc.

    G/ Cân bằng động:
    Chỉ số này giúp vợt không rung khi va đập với quả cầu.
    Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách ép chặt cán vợt lên mặt phẳng, lấy ngón tay bật nhẹ vào đỉnh vợt theo hướng vuông góc, nếu đỉnh vợt rung thẳng, không lắc ngang là vợt cân bằng động tốt, nếu lắc ngang là sản phẩm hỏng bị loại hoặc hàng giả.

    H/ Vừa túi tiền và Sở thích cá nhân
    Vợt tầm dưới 300 ngàn đồng/cái thường nặng, cứng và không bền. Trong khoảng từ hơn 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, bạn có thể chọn được vợt tốt hơn của các nhà sản xuất như đã nêu trên cùng với của một số thương hiệu khác như Finnex, Winex. Riêng vợt cầu lông của một số đại gia "chuyên trị" dụng cụ quần vợt như Wilson, Prince, Babolat..., dù không phổ biến lắm nhưng cũng có một số loại phù hợp, trong đó có nhóm nCode (có sử dụng chất liệu nano carbon trong một số chỗ ở đầu và thân vợt).
    Bạn thích loại vợt gì, mầu sắc nào phù hợp với bạn và kích thích bạn ham muốn vận động. Hình dạng cây vợt như thế nào…Hãy tôn trọng sở thích của bạn. Đừng lệ thuộc vào ý kiến người khác và cũng đừng bắt người khác thích giống mình.

    I/ Dây đan vợt
    Dây đan vợt mảnh cầu nẩy, độ bền kém
    Dây càng to sẽ bền nhưng không nẩy khi đánh cầu.
    Dây có đường kính 0.66mm nẩy nhất ở sức căng 9.00kg.
    Dây có đường kính 0.70 nẩy nhất ở sức căng 10.20kg.

    J/ Thương hiệu
    Nếu đầu tư trên 1 triệu đồng, bạn có thể vừa đã mua chất lượng vợt, vừa chi thêm cho thương hiệu vợt mà Yonex là tiêu biểu. Hầu hết các loại Yonex bình dân (giá dưới 1 triệu đồng) đều không sản xuất tại Nhật mà từ một nước khác. Các loại Yonex cấp cao và chính gốc thường đến VN với dòng chữ made in Japan và mã vùng phân phối SP (Singapore), TL (Thái Lan), IP (Indonesia), số ít là vợt xách tay có mã vùng phân phối TW (Đài Loan) hoặc tên viết tắt của một số nước khác được khắc ở sau số serie trên cán vợt. Tùy loại, giá Yonex cao cấp dao động từ 1,2 đến hơn 3,5 triệu đồng.

    Một số các loại vợt Yonex cao cấp:

    View attachment 39

    Chú ý đến hàng giả, hàng nhái Yonex trên thị trường, giá khoảng vài ba trăm ngàn đồng một cái, có thể phát hiện qua chất lượng sơn kém hơn, số serie chỉ được in (chứ không khắc) trên cán...
    Ngày nay công nghệ Nano là tối tân nhất. Với ký hiệu nCode (có sử dụng chất liệu nano carbon trong một số chỗ ở đầu và thân vợt).
    Vợt của hãng Yonex chia ra các nhóm đẳng cấp:
    Trừ nhóm Nano (nCode - cao cấp) và Carbonex, các nhóm vợt còn lại của Yonex như Isometric, Titanium, Muscle Power, Armotec, Nanospeed khá dễ "bầm dập" khi va chạm, cần được sử dụng cẩn thận.

    K/ Đặc điểm vợt Yonex:
    Trên mỗi cây vợt Yonex đều có một chuỗi code được khắc chìm. Những cây vợt được sản xuất sau năm 2000 được khắc 2 bộ code: bộ đầu tiên là số serie của cây vợt gồm 7 kí tự (con số này là độc nhất); bộ thứ 2 là date code, cho ta biết thời gian sản xuất và xuất xứ của cây vợt đó, code này có thể được hiểu như sau: DDMMYxCC, trong đó:
    DD là ngày, MM là tháng, Y là năm, CC là mã quốc gia (nó sẽ cho ta biết là cây vợt đó được sx cho thị trường nào).
    Vi dụ: Code trên cây vợt là: 4979394 110646IP. Như vậy số 4979394 là số serials number của cây vợt, còn 110646IP tương ứng DDMMYxCC như vậy cây vợt được xuất xưởng vào ngày 11 tháng 06 năm 2004 và được dành cho thị trường Indonexia (mã là IP). Với thông tin trên bạn sẽ biết được chính xác cây vợt được sản xuất cho thị trường nào.

    L/ Mã phân phối (Distribution Code):
    CC là 2 kí tự thể hiện quốc gia mà dòng vợt sẽ được phân phối ở đó chứ nó không thể giúp mình biết được cây vợt được sx ở đâu? Cho nên đừng có lầm nghĩ code IP ở trên có nghĩa là cây vợt đó được sx tại Indo, không phải vậy. Các dòng cao cấp của Yonex thì đa phần được sx tại Nhật (trên cây vợt có ghi made in Japan luôn), hiện nay Yonex đã cho nước thứ 2 gia công vợt của mình là Đài Loan.
    Một số loại code country thông dụng:
    AS - Australia
    BR - Brazil
    BX - Belgium/Netherlands
    CD - Canada
    CH - China
    CN/CP - Chinese National Team
    DK - Denmark
    FR - France
    GR - Germany
    HK - Hong Kong
    ID - India
    IN/IP - Indonesia
    JP - Japan
    KR - Korea
    MA - Malaysia
    NZ - New Zealand
    SD - Sweden
    SP - Singapore
    SW - Switzerland
    TH - Thailand
    TW - Taiwan
    UA - United Arab Emirates
    UK - United Kingdom
    US - USA

    III. Một số công nghệ nâng cao trong sản phẩm cầu lông:
    1. Thêm Titan vào hai điểm đối diện trên hai cạnh của khung vợt: thường là khu vực hay tiếp xúc cầu nhất. Mục đích làm tăng tính cân bằng động của khung vợt. Yêu cầu độ chính xác của công nghệ này rất cao nếu không sẽ có tác dụng ngược. Chú ý một số loại vợt nhà sản xuất chỉ vẽ sơn bề ngoài để tăng tính thương mại thực chất không có. Vì sử dụng công nghệ này là khá phiêu lưu nếu nhà sản xuất không đủ trình độ( Nhật Bản và Đài Loan giữ ưu thế tuyệt đối về công nghệ này).
    2. Thêm Titan vào cán vợt: nhằm tăng độ đàn hồi của cán. Công nghệ này đơn giản hơn rất nhiều. Hiện đang bị thay thế dần bằng công nghệ Nano.
    3. Tạo hình vòng cung trên khung vợt: Mục đích tăng khả năng giữ căng dây và tăng độ bền khung vợt. Với vợt thông thường sức căng dây giảm 15%. Với loại vợt tạo vòng cung sau 7 ngày sức căng giảm 5%. Bình thường người chơi ít cảm nhận thấy vì sau 1 thời gian dây căng vợt bị lão hoá và chai cứng.
    4. Công nghệ T-Joint: củng cố điểm nối giữa khung và cán. Công nghệ này nhằm tăng khả năng chịu Mo men xoắn của vợt. Công nghệ này khá tốn kém vì vậy hiện nay mới chỉ có Yonex áp dụng ở một vài mẫu đắt tiền.
    5. Công nghệ Amortec là công nghệ bọc đầu vợt bằng một lớp kim loại rất mỏng nhằm tăng cường độ bề và tăng sức mạnh cú đập cầu.
    6. Công nghệ Nano: là công nghệ đan xen vào giữa các sợi graphite các sợi siêu nhỏ để củng cố cấu trúc sợi và tăng độ bền của sản phẩm.
    7. Công nghệ nóng chảy cao: là công nghệ làm tăng mức độ chịu nhiệt của sản phẩm. Vợt thường có thể bị vặn kiểu vỏ đỗ ở 60 độ C. Vợt cầu lông áp dụng công nghệ này chỉ bị phá huỷ ở nhiệt độ 80 độ C.
    8. Công nghệ Titan sóng: Titan chế tạo dạng sợi sóng tăng độ bền và độ đàn hồi.
    9. Công nghệ Nano nhóm: Cũng công nghệ Nano nhưng tạo những nhóm sợi Nano liên kết, như vậy hạn chế được sự tăng trọng lượng không cần thiết của vợt mà vẫn tăng được độ cứng.
    Ngoài 9 công nghệ trên các nhà sản xuất còn áp dụng rất nhiều các công nghệ khác để làm thay đổi một số tính năng của vợt, nhưng đa số tạo ra sự khác biệt để tăng tính thương mại. Vì vậy khi mua vợt cần cảnh giác với lời quảng cáo công nghệ mới.
    Tags:
    conanlinh thích bài này.

Chia sẻ trang này

Đang tải...