[Điểm Tin] Cảm nhận về các trận chung kết giải Super Series Finals 2013.

Thảo luận trong 'Tin Tức Cầu Lông' bắt đầu bởi Editor VNB, 16/12/13.

  1. Editor VNB

    Editor VNB
    Biên Tập Viên VNB

    Một bài viết cảm nhận của tác giả Man Huynh về các trận chung kết giải cầu lông Super Series Finals 2013 được tổ chức ở Malaysia, mời các bạn theo dõi bài viết này.

    * Cuối năm thường là thời điểm diễn ra những sự kiện quan trọng nhất trong thế giới cầu lông, sự chờ đợi luôn được đền đáp xứng đáng khi mà giải đấu SUPER SERIES FINALS 2013 được tổ chức ở Malaysia lần này đã mang đến cho khán giả những trận đấu đỉnh cao vời từ những tay vợt đẳng cấp nhất nhì của thế giới! Cứ ngỡ đội tuyển Trung Quốc sẽ thống lĩnh các danh hiệu vô địch lần này, nhưng trận chung kết đã khép lại bằng nhiều bất ngờ khi Đan Mạch đã mang về cho đội tuyển của mình 2 chiếc huy chương vàng trên tổng số 5 nội dung thi đấu, quả đúng như câu nói: "Trong thể thao, không có gì là không thể."

    _ ĐÔI NỮ: Sau khi vất vả loại được cặp đôi số 1 thế giới là Wang Xiaoli / Yu Yang đến từ Trung Quốc; đôi nữ Christinna Pedersen / Kamilla Rytter Juhl của Đan Mạch tiến thẳng vào vòng chung kết và gặp một đôi nữ khác cũng đến từ Trung Quốc là Ma Jin / Tang Jin Hua. Khán giả không khỏi lo lắng cho hai tay vợt nữ của Đan Mạch khi liên tiếp phải đối đầu với những đôi vợt nữ hàng đầu của Trung Quốc; nhưng kỳ tích đã xảy ra đã giành chiến thắng thật thuyết phục khi hai tay vợt nữ đến từ Đan Mạch đã thể hiện qua một lối chiến thuật khéo léo đến gần như hoàn hảo. Với chiều cao gần 1m8, thể lực tốt cùng với cây vợt Nano Ray Z-Speed của Yonex; Kamilla Rytter Juhl rất tự tin trong những cú đập cầu mạnh mẽ nhanh như chớp. Bên cạnh đó, Ma Jin và Tang Jin Hua dường như đã không hiểu ý nhau, Ma Jin mắc quá nhiều lỗi trong quá trình trả cầu, còn Tang Jin Hua thường buông xuôi trong những đường cầu bỏ nhỏ. Chính vì thế, chiến thắng của Pedersen và Rytter Juhl cũng không có gì là khó hiểu!

    _ ĐƠN NỮ: Trước hết phải dành cho Tai Tzu Ying đến từ Đài Loan một lời khen, cô bé 19 tuổi này đã kiên cường khuất phục được Wang Shixian - một tay vợt được mệnh danh là "sát thủ" của những trái cầu bỏ nhỏ chéo góc. Wang Shixian là một trong những tay vợt nữ có đẳng cấp của Trung Quốc, cô thường được đánh giá rất cao ở những giải đấu trong nước lẫn Super Series, chính vì thế mà chuyện Tai Tzu Ying chiến thắng được Wang Shixian với tỉ số 2-1 lần này quả thật là phép màu. Nhưng phép màu đó chưa là gì khi cô lại phải đối mặt tiếp với một đẳng cấp khác của Trung Quốc trong trận chung kết, người tôi muốn nói đến không ai khác ngoài Li Xuerui - đương kim vô địch và cũng hiện là tay vợt nữ số 1 thế giới. Tưởng chừng như phép màu có thể đến với Tai Tzu Ying một lần nữa, nhưng trước một Li Xuerui sừng sững như tượng đài, tay vợt 19 tuổi của Đàn Loan thật nhỏ bé và non nớt. Quá khó để có thể chiến thắng được Li Xuerui khi cô sử dụng lối chiến thuật truyền thống của Trung Quốc: thường xuyên lốp cầu bổng về 2 góc sân để ép đối phường lùi liên tục rồi tung ra một trái bỏ nhỏ chéo sân đầy bất ngờ, chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ tạo nên chiến thắng cách biệt là 21-8 và 21-14, Li Xuerui đã bảo vệ được thành công chức vô địch của mình ở giải đấu lần này.

    _ ĐƠN NAM: Khi nhìn vào lịch thi đấu, tôi đã nhủ thầm rằng 90% Lee Chong Wei sẽ vô địch ở mùa giải này. Không có Lin Dan, không thấy Chen Long, lại được tổ chức trên sân nhà Malaysia, Lee Chong Wei đã chứng tỏ một sức mạnh vô đối khi trình diễn một lối đánh áp đảo trước Tommy Sugiarto của Indonesia. Phong thái của Lee Chong Wei vẫn uyển chuyển và ung dung như ngày nào, anh tung ra những cú đập cầu sát biên khiến cho đối phương chao đảo và mất phương hướng. Tommy Sugiarto dù có tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ trình để đối đầu với một tay vợt số 1 thế giới dày dạn kinh nghiệm như vậy! Không qua khó để thấy rằng Tommy dường như đã bị mất cảm giác cầu hoàn toàn khi phán đoán điểm rơi không chính xác và bị Lee Chong Wei bắt bài quá nhiều. Xin chúc mừng Lee Chong Wei và cả Tommy Sugiarto, vì dù sao lọt được vào đến chung kết ở giải đấu tầm cỡ như thế thì cũng đáng ghi nhận cho một tay vợt trẻ như Tommy rồi!

    _ ĐÔI NAM-NỮ: Đây có lẽ là một trận đấu mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Dù rất nhiều khán giả cổ cho cặp đôi Joachim Fischer Nielsen / Christinna Pedersen đến từ Đan Mạch; nhưng tôi lại vô cùng mến mộ cặp đôi Zhang Nan / Zhao Yunlei của Trung Quốc. Nói thẳng ra tôi không hề thích lối đánh của hai tay vợt đến từ Đan Mạch chút nào; bởi vì Joachim Fischer Nielsen rất thường xuyên sử dụng chiêu phát cầu bổng bất ngờ và chỉ nhằm vào người nữ mà đập cầu tới tấp. Còn Christinna Pedersen lại ăn may ở rất nhiều trái cầu leo lưới, bên cạnh đó cô thường áp dụng tối đa chiều cao của mình ở những trái chụp lưới cự ly gần. Nhưng với Zhang Nan và Zhao Yunlei thì lại khác hoàn toàn, cả hai có một sự phối hợp khéo léo và sự bền bỉ khi giằng co đến lạ thường. Nếu như Zhang Nan có sức trẻ, đập cầu tốt, phòng thủ chắc chắn thì Zhao Yunlei lại sở hữu kỹ thuật lèo lái đường cầu rất hay, rất nghệ thuật. Lối đánh của hai tay vợt Trung Quốc đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng: sức mạnh không phải là tất cả để quyết định thắng thua, mà còn phụ thuộc vào tình đồng đội lẫn sự cố gắng đến phút cuối cùng. Mặc dù để thua cặp đôi của Đan Mạch với tỉ số 2-1, nhưng Zhang Nan và Zhao Yunlei vẫn khiến tôi thán phục và yêu mến! Hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với họ ở một giải đấu khác! Có thêm 1 chiếc huy chương vàng ở nội dung đôi nam-nữ, lần này có lẽ Christinna Pedersen sẽ vô cùng hạnh phúc và trở thành niềm tự hào của cầu lông Đan Mạch!
    1467291_719823731361386_1022538828_n.jpg
    _ ĐÔI NAM: Đẳng cấp, sức mạnh, bản lĩnh, kinh nghiệm và bình tĩnh là những gì khán giả có thể thấy được ở cặp đôi Mohammad Ahsan / Hendra Setiawan của Indonesia. Đối đầu với hai tay vợt trẻ là Kim Ki Jung và Kim Sa Rang đến từ Hàn Quốc không phải là mối lo ngại quá lớn của cặp đôi Indonesia. Có lẽ, Kim Ki Jung và Kim Sa Rang của Hàn Quốc vẫn còn phải cố gắng và tập luyện rất nhiều để có được một chiến thuật ăn ý trong những trận đấu khác. Hai anh chàng này sức trẻ thì có thứa, nhưng đánh cầu lỗi quá nhiều, kỹ thuật cũng chưa gì gọi là ấn tượng! Bên cạnh đó, Mohammad Ahsan vẫn khiến người xem phấn khích qua những cú đập cầu hết sức hoang dã với vận tốc có khi hơn 260km/h, còn Hendra Setiawan thì lại trung thành với những đường cầu kỹ thuật đầy kinh nghiệm. Một người được mệnh danh là "cái máy đập"; một người được xem là "cáo già" trong những pha cầu giằng co, Mohammad Ahsan và Hendra Setiawan dễ dàng giành được chức vô địch về cho mình!

    * Có chứng kiến được những tay vợt tập luyện hay thi đấu, mới thấy được ý chí và tâm lý của họ mạnh mẽ vô cùng; bởi vì cầu lông là một bộ môn ngoài thể lực ra, nó còn đòi hỏi rất nhiều ở trí lực. Và không phải ai cũng có thể kết hợp được hai yếu tố đó một cách dễ dàng. Hãy chơi cầu lông một cách nghiêm túc, bạn sẽ thấy môn thể thao này tuyệt vời đến dường nào, nó tuyệt vời khi mang đến cho người chơi thật nhiều cung bậc cảm xúc: Có khi mỉm cười suốt ngày vì đã thực hiện được một trái bỏ nhỏ đẹp mắt; có khi cảm thấy nổi da gà khi nhảy lên đập một trái cầu dũng mãnh; có khi lại nổi giận, la hét um sùm khi mắc một lỗi nhỏ không đáng và cũng có khi khóc tức tưởi khi chiến thắng được một đối thủ mà mình chưa bao giờ vượt qua. Cuộc thi nào cũng có người chiến thắng, kẻ thua cuộc; trong thể thao thì điều đó lại càng rõ nét hơn bao giờ hết. Tất cả những khoảnh khắc, những giọt mồ hôi, những hân hoan, tiếc nuối, những giọt nước mắt, nụ cười của tất cả các vận động viên sẽ trở thành một giá trị vĩnh cửu trong sự nghiệp của họ. Dù chiến thắng hay thất bại, cũng xin dành một tôn trọng tận đáy lòng cho các tay vợt đã cống hiến cho bộ môn cầu lông những tinh hoa đẹp đẽ nhất, để một ai đó cảm thấy rằng: THẬT TỰ HÀO KHI LÀ NGƯỜI YÊU THÍCH MÔN CẦU LÔNG! ./.

    [Man Huynh - VNBadminton]
    Tags:
    caheothanh thích bài này.
  2. caheothanh

    caheothanh
    VĐV Bán Chuyên

    trận nào mình có coi thì thấy bác bình luận chính xác thật.
  3. badmintonman

    badmintonman
    VĐV Phong Trào

    Theo mình thì việc giao cầu ngắn hay dài bổng là việc bình thường không có gì phải bình luận hơn nữa mỗi lần anh ta giao cầu bổng đều bi Zang nan đập thắng điểm. Còn việc nói anh ta lúc nào cũng đập vào nữ thì mình thấy chỉ có một lần đập trúng Zang Zulei nhưng may là trúng phần tóc nếu không thì phải rất đau nếu trúng trán. Trong những giải lớn và những trận chung kết như vầy thì mình nghĩ không có chổ đứng cho lối đánh Fair đâu mà mục đích chính phải là giành phần thắng. Khi xem trận này mình một lần nữa mình nhận thấy sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả trên sân đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của đôi Đan Mạch. Rõ ràng là sang hiệp hai họ đã lội ngược dòng nhờ sự cổ vũ và đến hiệp 3 thì mình thấy Zang Nan đã bị sa sút tinh thần vì sự cổ vũ đó bằng chứng là anh đã có lần đánh hụt cầu và rất nhiều lần đánh hỏng sau đó.
    Ở giải Yonex Denmark Open vừa rồi đôi Đan Mạch cũng thắng ngược và hai bên giằng co đến tỷ số 30-29 trong set 3 cũng là nhờ sự cổ vũ của khán giả trên sân nhà. Đây cũng chỉ là cãm nhận của mình. Bài viết của bạn rất hay. Mình không thể viết dài như vậy được.
    Thân mến!
  4. BuiHoangNam83

    BuiHoangNam83
    Mới Tập Cầu Lông

    Mình cũng yêu bộ môn cầu lông nhưng ko biết đến độ tuổi này của mình có qua muộn để "yêu" ko .hic

Chia sẻ trang này

Đang tải...